Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Nam Hưng - Huyện Nam Sách

23/4/2023  |  English  |  中文

Lịch sử, văn hóa - Xã Nam Hưng

​​​Xã Nam Hưng nằm ở phía Tây bắc huyện Nam Sách, cách trung tâm huyện 10km. Xã hình bán nguyệt, có 3 thôn Trần Xá, Linh Xá, Ngô Đồng. Phía tây và phía Bắc được bao bọc bởi con sông Kinh Thầy, bên kia dòng sông là huyện Chí Linh, phía Đông giáp xã Nam Tân, phía Nam giáp xã Hợp Tiến, phía Tây giáp xã Hiệp Cát. Diện tích tự nhiên là 489.12ha, trong đó đất canh tác là 194.47ha, đất thổ cư là 37.13ha, đất ao hồ là 15.61ha. Bình quân đầu người là 862m2/người. Mật độ dân số  1.180/Km2

Trải qua năm tháng và những biến động lịch sử từ khi có con người đến đây sinh sống cho đến nay có nhiều thay đổi về hành chính, về tên làng và tên xã, qua nghiên cứu lịch sử cho thấy cách đây 800 -900 năm con nơi đây đã sống thành xóm ấp, từ đó ta có thể khẳng định: mảnh đấy Nam Hưng có từ lâu đời, người đầu tiên, dòng họ đầu tiên đến đây khai thiên lập địa từ hàng ngàn năm trước. 

Về dân số, trước năm 1930 có 1.750 người; đến nay có 6.261 người. Người dân Nam Hưng với nguồn sống chính từ sản xuất nông nghiệp và một số ngành nghề tiểu thủ công, thương mại dịch vụ như nghề mộc truyền thống (thôn Ngô Đồng), cơ khí, kinh doanh tàu dầu, vận chuyển hàng hoá đường thuỷ (thôn Linh Xá), buôn bán Trâu bò, ngựa (thôn Trần Xá) v.v....​

Nam Hưng, mảnh đất rất đỗi tự hào, nơi nuôi dưỡng nên những sự kiện, những nh​ân vật mà tiếng vang lưu truyền mãi hậu thế. Cuối thế kỷ thứ XIII trên  bãi bồi sông Kinh Thầy thuộc địa phận Trần Xá đã diễn ra hội nghị Bình Than, đây là Hội nghị quân sự lịch sử của các Vương hầu ba quan nhà Trần do vua Trần Nhân Tông trực tiếp lãnh đạo (tháng 11/1282) để bàn kế sách đánh quân Nguyên - Mông xâm lược lần thứ 2. Cũng từ đây hình ảnh và tiếng vang của Trần Quốc Toản tuổi nhỏ mưu trí lớn, không được dự bàn việc nước vì quá căm thù giặc ngoại xâm đã bóp nát quả cam vua ban, nêu gương sáng cho tuổi trẻ và nhân dân cả nước. Vinh dự cho nhân dân Trần Xá, trực tiếp là bà con xóm Chằm được phụ vụ Hội nghị nhất là việc ăn nghỉ đi lại của các cá quan văn võ nhà Trần. Cái tên "Trần Xá loan" mà nhà Trần ban tặng cho xóm Chằm (thôn Trần Xá ngày nay)​.

Nam Hưng có nền văn hoá giáo dục phát triển từ sớm ở Linh Xá (Ngô Đồng), nghề làm gốm phát đạt nên việc học hành cũng được mở mang, theo di tích để lại từ thế kỷ XVII về trước có 4 người đỗ ông Nghè (sau đổi là Tiến sỹ) khi các ông qua đời dân làng xây 4 nghè để thờ cúng.​

Cuối thế kỷ thứ XVII cụ Nguyễn Mại người thôn Linh Xá (nay khu vực là thôn Ngô Đồng) xuất thân Hoàng Giáp, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ làm quan gần 30 năm có công lớn với nước với dân, cụ là người văn võ toàn tài nhân đức sáng ngời, thanh liêm cương trực, xử đoán công minh hiền từ giản dị danh tiếng lẫy lừng, vua Lê tin dùng nhưng chúa Trịnh không ưng đã giết chết cụ năm 1721. Vua Lê truy phong cụ là Lễ bộ Thượng thư và phong làm Phúc thần Đại vương, nhân dân thôn Ngô Đồng và Tổng Cao đôi tôn thờ quan thượng Lành từ đó, tiếng thơm của cụ lưu truyền mãi mãi là tấm gương sáng trong nhân dân.

Những năm đầu thế kỷ XVIII, chế độ phong kiến nhà Trịnh suy tàn, ra sức bóc lột bần cùng hoá dân chúng, nhiều cuộc khởi nghĩa đã diễn ra ở nhiều nơi, Tại thôn Linh xá (Ngô Đồng) con trai cụ Nguyễn Mại là Nguyễn Ngộ nhân lúc dân tình đói khổ lại căm thù chúa Trịnh giết cha mình một cách oan uổng, thày dạy học cũng bị chúa Trịnh giết hại, Nguyễn Ngộ bèn liên kết các hào kiệt lại để chống triều đình nhà Trịnh nhưng chưa kịp khởi sự thì ốm chết. Con của Nguyễn Ngộ là Nguyễn Tuyển - Nguyễn Cừ cùng chú ruột Nguyễn Tuân, cháu ruột Nguyễn Diên tiếp tục sự nghiệp của ông cha, đã tập hợp dưới cờ những tướng sỹ và nghĩa quân, lực lượng lên tới vài vạn người, nổi dậy khởi nghĩa với khẩu hiệu "Phù Lê diệt Trịnh" "Dân nghèo được yên lòng" hoạt động mạnh mẽ ở nhiều vùng Hải Dương đánh vào trụ sở chính quyền phong kiến, trừng trị đích đáng bọn quan lại, cường hào, lấy thóc ra chia cho dân nghèo; nhiều trận thắng lớn tiêu diệt và bắt sống nhiều tướng nhà Trịnh. Trong 3 năm (1739-1741) nghĩa quân còn tấn công tới Kinh Bắc (Bắc Ninh nay), Sơn Lam (Nam Hà và Sơn Tây nay), uy hiếp Thăng Long gây thanh thế một vùng rộng lớn, nhà Trịnh phải đối phó chật vật mới dẹp được. 

Tuy cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Tuyển - Nguyễn Cừ chưa thành công nhưng đánh dấu một mốc son chói lọi cho xã Nam Hưng và các vùng lân cận, đã mở đầu cho các cuộc khởi  nghĩa của nông dân tỉnh Hải Dương giữa thế kỷ thứ XVIII. 

Sau khi quân Tây Sơn tiến từ Nam ra Bắc đánh lại vương triều Lê - Trịnh, Nguyễn Huệ lên ngôi nhà Vua ra chiếu an dân, người dân Linh Xá sau gần 50 năm phiêu bạt lại trở về quê cũ cùng dân thập phương đến sinh sống. Khi về xóm làng đã trở thành rừng rậm rạp, các cây Ngô Đồng cao to, chắc khoẻ, các dòng họ đều nhất trí lấy cây Ngô Đồng đặt tên cho làng mới gọi là làng Ngô Đồng.  

Nam Hưng trước kia thôn nào cũng có đình, chùa, miếu, nghè ... đình chùa có kiến trúc mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, các đường hoa văn đều chạm trổ tứ quý "Long, Ly, Quy, Phượng" mềm mại sắc nét của nền văn hoá Lý - Trần do các nghệ nhân tài hoa tạo ra, hàng năm vào dịp đầu xuân, những ngày tưởng nhớ những người có công với làng với nước, nhân dân các thôn mở hội, đình đám nô nức lễ bái, vui chơi như: vật, kéo co, đánh tổ tôm, tam cúc, cờ người, xem múa hát vừa cầu cho sự tốt lành trong cuộc sống, vừa mua vui sau những ngày lao động mệt mỏi...

Các lễ hội kể đến như: Lễ hội Đình làng truyền thống thôn Trần Xá vào ngày 12 - 13 tháng 2 âm lịch hàng năm, Lễ hội Đình làng truyền thống thôn Linh Xá vào ngày 14-15 tháng 2 âm lịch hàng năm, lễ hội truyền thống Đình làng thôn Ngô Đồng ngày 5 - 6 tháng 6 âm lịch hàng năm. 

le hoi truyen thong.jpg

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, người dân Nam Hưng tiếp tục đoàn kết gắn bó cùng nhân dân cả nước đánh giặc. Giành được chính quyền, nhân dân Nam Hưng tích cực "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và giặc ngoại xâm". Bước vào những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương xã Nam Hưng ra đời chỉ với 3 đảng viên (5/3/1947) nhận sứ mệnh lịch sử lãnh đạo nhân dân trong xã tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, đầy hy sinh, gian khổ, ác liệt, hơn 7 năm liên tục một đất, một còn với kẻ địch trên mảnh đất được coi là trọng điểm thời kỳ chống Pháp, nhưng chi bộ và nhân dân Nam Hưng vẫn đứng vững, thực hiện vừa kháng chiến vừa kiến quốc, nhất định sẽ giành được thắng lợi và thực sự thắng lợi. 

11 mẹ Việt nam anh hùng được Nhà nước phong tặng, truy tặng. Người anh hùng thiếu niên liệt sỹ Nguyễn Đăng Lành được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang, 136 liệt sỹ chống Pháp, chống Mỹ, Bảo vệ Tổ quốc, 69 thương binh, 22 bệnh binh, 36 quân nhân bị nhiễm chất độc hoá học trở về từ chiến trường ác liệt... 

Chiến tranh kết thúc, sau 38 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Nam Hưng hôm nay phấn khởi, tự hào về những gì mình dã làm được. Đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trú trọng phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo cho phù hợp với tình hình chung, tập trung thực hiện tốt các quy chế dân chủ ở cơ sở, hướng tới thực hiện các mục tiêu "Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh", vững bước tiến lên Chủ nghĩa xã hội.  ​