Xã Nam Hưng nằm ở phía Tây bắc huyện Nam Sách, cách trung tâm huyện 10km. Xã hình bán nguyệt, có 3 thôn Trần Xá, Linh Xá, Ngô Đồng. Phía tây và phía Bắc được bao bọc bởi con sông Kinh Thầy, bên kia dòng sông là huyện Chí Linh, phía Đông giáp xã Nam Tân, phía Nam giáp xã Hợp Tiến, phía Tây giáp xã Hiệp Cát. Diện tích tự nhiên là 489.12ha, trong đó đất canh tác là 194.47ha, đất thổ cư là 37.13ha, đất ao hồ là 15.61ha. Bình quân đầu người là 862m2/người. Mật độ dân số 1.180/Km2.
Bản đồ xã Nam Hưng
Đồng ruộng không bằng phẳng, đổi lại có nguồn phù
sa sông Kinh Thầy bồi đắp mầu mỡ. Nam Hưng, mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi diễn
ra Hội nghị Bình Than chống quân Nguyên – Mông xâm lược thế kỷ XIII, cái nôi của
cuộc khởi nghĩa nông dân Hải Dương ở thế kỷ XVIII chống lại chế độ phong kiến
hà khắc… Mảnh đất và con người nơi đây có hàng ngàn năm đấu tranh và phát triển
của ông cha, 93 năm lịch sử xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ mà tiền thân
là chi bộ Đảng. Nhân dân Nam Hưng có truyền thống cần cù lao động, đoàn kết
giúp nhau chống thiên tai để sản xuất, đấu tranh chống giặc để bảo vệ quê
hương, đất nước. Từ ngày có Đảng lãnh đạo, nhân dân Nam Hưng đã phát huy truyền
thống cách mạng lật đổ chính quyền thực dân phong kiến, lập nên chính quyền dân
chủ nhân dân trong cách mạng Tháng Tám năm 1945. Củng cố xây dựng chính quyền,
xây dựng Đảng và đoàn thể quần chính cách mạng, trường kỳ kháng chiến chống thực
dân Pháp xâm lược góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 năm chấn
động địa cầu. Hoà bình lập lại, cán bộ, đảng viên và nhân dân Nam Hưng càng tin
vào Đảng, đi theo Đảng, tích cực xây dựng CNXH và kháng chiến chống Mỹ cứu nước
đến thắng lợi hoàn toàn. Nam Hưng hôm nay đã có bộ mặt đổi mới toàn diện. Tuy nằm
cách xa trung tâm huyện Nam Sách, xa các trục đường quốc lộ tỉnh, huyện nhưng
dưới sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Hệ thống cơ sở hạ tầng ngày một
được nâng cấp khang trang sạch đẹp, đường trục thôn, khu dân cư được bê tông
hoá mở rộng từ 3 đến 5m, đường trục chính được đổ apphan từ 6,5 đến 7m, tạo thuận
lợi cho nhân dân đi lại, phát triển kinh tế; Trường học, trạm y tế được đầu tư
to đẹp đầy đủ trang thiết bị cần thiết; chợ kiên cố, hệ thống đường giao thông
nội đồng được bê tông hoá mở rộng từ 3-5m; Nhà văn hoá, sân thể thao của xã, thôn
đều đầy đủ là điều kiện để nhân dân thuận lợi giao lưu văn nghệ, tập luyện thể
thao, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần. Đời sống nhân dân ngày một đi
lên, chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao. 3/3 thôn đều được công nhận là
làng văn hoá nhiều năm liên tiếp. An ninh, quốc phòng luôn được đảm bảo giữ vững,
ổn định tình hình nông thôn. Bộ máy chính quyền, MTTQ, đoàn thể nhân dân thường
xuyên được củng cố và đạt trong sạch vững mạnh.