1. Di tích Đình làng Trần Xá, xã Nam Hưng. Được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2007.
Đình Trần Xá, xã Nam Hưng được xây dựng vào thời hậu Lê trên gò đất cao giữa làng, thờ 3 vị Thành hoàng họ Phạm thời Lý, phối thờ danh tướng Trần Quang Khải - người có công lớn góp phần cùng quân dân nhà Trần giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược vào thế kỷ XIII. Trần Xá là một địa danh nổi tiếng trong lịch sử. Thời Lý, Trần Xá có tên gọi là Trần Xá trang, nằm tả ngạn ven sông Kinh Thầy tạo ra một vùng rộng lớn có tên là vũng Trần Xá. Thời Trần, trang Trần Xá đổi thành Trần Xá loan. Tương truyền năm 1282, vua tôi nhà Trần về vũng này mở hội nghị Bình Than bàn kế sách đánh giặc Nguyên Mông lần thứ 2.
Hình ảnh Đình Trần Xá cũ
Năm 1285, giặc Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ 2, Trần Quang Khải đã cùng với các tướng lĩnh khác như Trần Quốc Toản, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền… mở cuộc tấn công đánh bại địch ở bến Chương Dương (thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội bây giờ). Đây là trận đánh lớn vào bậc nhất, sau đó quân nhà Trần thừa thế tấn công giải phóng kinh đô Thăng Long và giành nhiều thắng lợi liên tiếp, chém đầu Toa Đô, bắn chết Lý Hằng, quét sạch quân xâm lược Nguyên Mông ra khỏi đất nước. Sau khi giặc Nguyên Mông thất bại thảm hại lần thứ hai, tên thống tướng giặc là Thoát Hoan chui vào ống đồng trốn chạy và thoát chết. Thái sư Trần Quang Khải cùng vua và các tướng lĩnh trở về Thăng Long. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần ba vào năm 1288, Trần Quang Khải được bố trí theo hầu cận vua Trần Nhân Tông và thượng hoàng Trần Thánh Tông. Ông cũng góp phần to lớn vào việc đập tan toàn bộ đạo quân hùng hậu và thiện chiến của nhà Nguyên do tướng Ô Mã Nhi cầm đầu.
Bia đá năm Chính Hòa thứ 12 (năm 1691)
Tương truyền, khi vua Trần Nhân Tông về mở hội nghị Bình Than ở vũng Trần Xá, Trần Quang Khải được giao trọng trách tổng chỉ huy bảo vệ và giữ bí mật cho hội nghị. Sau khi ông mất, để tưởng nhớ vị tướng tài ba, nhân dân thôn Chằm (thôn Trần Xá ngày nay) lập miếu phụng thờ, hương hỏa muôn đời.
Thời Nguyễn, đình được trùng tu, khang trang to đẹp gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung chất liệu bằng gỗ tứ thiết. Năm 1953, tòa đại bái bị thực dân Pháp tháo dỡ chỉ còn lại 3 gian hậu cung. Qua sự biến thiên của thời gian, hậu cung bị hư hại và được nhân dân khôi phục lại vào năm 1992. Năm 1999, 5 gian đại bái tiếp tục được phục dựng lại. Hiện nay, UBND xã đang cho tu bổ tôn tạo lại tòa đại bái và 1 số công trình phụ trợ. Hậu cung được làm bằng bê tông đơn giản, trong có ban thờ 3 vị Thành hoàng họ Phạm và Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải bằng ngai và bài vị.
Vượt qua sự biến thiên và thăng trầm của lịch sử, đình Trần Xá vẫn còn lưu giữ được một số cổ vật có giá trị như 1 bia đá Chính Hòa thứ 12 (1691); 1 ngai thờ, 1 kiếm thờ, 1 hòm sắc, 1 bát hương gốm Phù Lãng thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Đây là những cổ vật có giá trị cao về lịch sử văn hóa cần được lưu giữa, bảo tồn.
Trong một năm đình Trần Xá có nhiều kỳ lễ hội, nhưng lớn nhất là được tổ chức vào 2 ngày 12-13.2 âm lịch. Trong đó ngày 13 là ngày trọng hội. Dân làng mở cửa đình từ ngày 11, các bô lão và trai tráng trong làng dọn dẹp, chồng kiệu, bao sái đồ thờ tự. Sáng 12 tiến hành rước từ đình lên văn chỉ nơi có mộ 3 vị thành hoàng họ Phạm và rước bát hương, sắc phong của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải từ cung miếu lên đình làng để tiến hành làm lễ tế nhập tịch. Vật phẩm tế gồm: Mâm ngũ quả, lợn sống và xôi nếp. Trong những ngày lễ hội có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như: Đập niêu đất, cờ tướng, hát quan họ trên thuyền, đặc biệt vài năm gần đây có trò ném cổ chai...
Diện mạo mới của Đình Trần xá sau tu bổ đợt tháng 4 năm 2024
2. Di tích Đình làng Ngô Đồng, xã Nam Hưng. Được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2005.
Đình Ngô Đồng thuộc thôn Ngô Đồng, xã Nam Hưng, thờ Thành hoàng làng Nguyễn Mại (quan Thượng Lành), phối thờ cháu nội của ông là Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ - hai vị lãnh tụ trong phong trào nông dân đứng lên khởi nghĩa. Thôn Ngô Đồng có lịch sử hình thành khá lâu đời, là một vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa nằm bên hữu ngạn sông Kinh Thầy. Theo một nguồn tư liệu còn lưu giữ, Nguyễn Mại, hiệu là Đức Chính, tên thụy là Đôn Giản, hay còn gọi là quan Thượng Lành, sinh năm 1655 tại làng Ninh Xá, tổng Cao Đôi, huyện Chí Linh, nay thuộc thôn Ngô Đồng, xã Nam Hưng, huyện Nam Sách. Năm 36 tuổi, ông đỗ Hoàng giáp khoa Tân Mùi, niên hiệu Chính Hòa thứ 12 (1691) đời vua Lê Hy Tông, làm quan đến chức Lễ bộ Tả thị lang, tước Nam, từng đi sứ. Sau ông được triều đình phụng sai lên làm trấn thủ Sơn Tây. Khi mất, ông được phong tặng Lễ bộ Thượng thư, tước Quận công. Nguyễn Mại là người khoan hòa, nhân hậu, xét xử công minh, chính trực được nhân dân kính trọng. Tiếng tăm của ông lừng lẫy, nổi tiếng khắp vùng. Lúc bấy giờ, Trần Hiền - tiến sĩ triều Lê đã soạn cuốn “Sơn Tây Đức Chính ký” ca ngợi công đức của ông với nhân dân nơi đây và lưu truyền cho thế hệ sau.
Trong quá trình làm quan, phụng sự vua Lê, chúa Trịnh, ông luôn là vị quan thanh liêm, cương trực, thẳng thắn, giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, xét xử nghiêm minh, chăm lo đời sống nhân dân. Vì bản tính thẳng thắn nên ông đã bị chúa Trịnh ghen ghét, giết hại. Sau khi mất, dân làng Ngô Đồng lập đền thờ để ghi nhớ công đức của ông và suy tôn ông làm bậc tiên hiền. Nguyễn Mại sinh ra Nguyễn Dật. Nguyễn Dật lại sinh ra Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ. Anh em Nguyễn Tuyển nung nấu mối thù từ lâu đã đứng lên chống lại vua Lê - chúa Trịnh. Cuối năm Canh Thân (1740), hai ông mở đại hội tướng sĩ ở Phù Tải, Đồng Xá, huyện Kim Thành, lập đàn thờ, dựng cờ sắc xanh đề hai chữ “ninh dân” (yên dân), dấy cờ khởi nghĩa, kêu gọi hàng vạn nông dân mang vũ khí thô sơ trừng trị bon quan lại địa phương, chiếm trấn lỵ Hải Dương tại Vạn Tải (Chí Linh).
Hình ảnh lễ hội thôn Ngô Đồng
Từ Hải Dương, nghĩa quân đã mở rộng hoạt động lên Kinh Bắc (Hà Bắc), đánh xuống Sơn Nam, có lần uy hiếp cả Thăng Long. Nguyễn Cừ chiếm các vùng đất như Đỗ Lâm (Gia Phúc, Gia Lộc). Nguyễn Tuyển chiếm Phao Sơn (Chí Linh), đồn lũy nối tiếp nhau, mỗi người có tới vài vạn quân. Nghĩa quân đốt phá đền phủ, dinh thự nhà Trịnh ở My Thử (Vĩnh Hồng, Bình Giang). Đầu năm 1740 đến năm 1741, nghĩa quân đánh nhiều trận lớn, lập nhiều chiến thắng. Sau đó, triều đình đã đàn áp nghĩa quân một cách dã man, nhấn chìm cuộc khởi nghĩa của hai ông trong biển máu. Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, triều đình thực hiện chính sách tru di tam tộc những người họ Nguyễn ở làng Ninh Xá, biến làng Ninh Xá thành bãi đất hoang.
Đến thời vua Quang Trung, dân làng mới trở về lập nên làng mới lấy tên là Ngô Đồng. Từ đây, dân làng xây dựng lại đình và tôn thờ cụ Nguyễn Mại làm Thành hoàng làng, sau đó phối thờ 2 vị cháu nội là Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ ở hai bên. Do có công lao với dân làng, lại là một vị đại khoa vẹn đức, vẹn tài nên Nguyễn Mại được ban nhiều sắc phong qua các triều đại. Song các sắc phong trên đã bị thất lạc trong kháng chiến chống Pháp. Hiện nay, di tích chỉ còn giữ được 6 bản sao sắc phong thời Nguyễn. Căn cứ vào thần tích, sắc phong, câu đối, đại tự tại di tích, đình Ngô Đồng được xây dựng vào đời Tự Đức thứ 4 (1851) trên gò đất cao giữa làng.
Đình hiện vẫn giữ được nét kiến trúc thời Nguyễn kiểu chữ Nhị (=) gồm đại bái 3 gian, 2 trái và 3 giân hậu cung. Đại bái chất liệu bằng gỗ lim, hậu cung làm bằng gỗ xoan.
Hằng năm, từ ngày 5 - 6.6 (âm lịch), dân làng lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của Thành hoàng Nguyễn Mại và hai vị anh hùng áo vải là cháu nội của ông. Trong lễ hội có tổ chức tế lễ, rước tượng và bài vị Thành hoàng làng Nguyễn Mại. Ngoài ra, dân làng còn tổ chức các trò chơi dân gian như đấu vật, cờ người, bịt mắt bắt dê, hát chèo...